Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Lượt xem: 1418

Ngày 05/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 449/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Quyết định quy định một số nội dung cơ bản như sau:

Phạm vi điều chỉnh của Quy chế quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, nghĩa vụ của hòa giải viên lao động; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm hòa giải viên lao động; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động; trình tự, thủ tục hòa giải lao động; chế độ và điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động. Đối tượng của Quy chế áp dụng đối với hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lao động, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.

Hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ theo quy định, bao gồm: Hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Hòa giải viên có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động: Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động; Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Quyền của hòa giải viên lao động: Quyền yêu cầu các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, mời người làm chứng và người có liên quan; quyền hỗ trợ các bên thương lượng, thỏa thuận và đề xuất phương án giải quyết tranh chấp lao động để các bên thương lượng, thỏa thuận; quyền tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp; được hưởng các chế độ, điều kiện làm việc theo quy định.

Phạm vi hoạt động của hòa giải viên lao động:

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn toàn tỉnh và chỉ thực hiện nhiệm vụ khi vụ việc giải quyết tranh chấp lao động phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương và được phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố đề xuất, kiến nghị; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cử hòa giải viên lao động thuộc quyền quản lý để hỗ trợ giải quyết.

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn; hòa giải viên lao động do phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố nào quản lý thì hoạt động trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đó.

Trường hợp vụ việc giải quyết tranh chấp lao động phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố có văn bản đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương cử hòa giải viên lao động cùng tham gia.

(Đăng kèm Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 05/3/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận)./.    

PHÒNG LĐ,VLDN 

  

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang