image banner
NHỮNG ĐIỂM MỚI BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019 GÓP PHẦN THÚC ĐẨY BÌNH DẲNG GIỚI VÀ TRAO QUYỀN CHO PHỤ NỮ
Lượt xem: 2601

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao trên thế giới, theo số liệu về tình hình lao động - việc làm quý I/2020 của Tổng Cục thống kê thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trung bình giai đoạn 2010 – 2020 của lao động nữ là 72,9% và tỷ lệ này của lao động nam là 82,5%. Phụ nữ Việt Nam đã và đang giữ một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới. Các nội dung sửa đổi, bổ sung này tập trung tại chương X “Những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới (từ Điều 135 đến Điều 142).

Theo đó, một số quy định trước đây chỉ áp dụng đối với lao động nữ được sửa đổi, áp dụng đối với người lao động nói chung gồm cả lao động nam và lao động nữ nhằm đảm bảo bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình, như: Bộ luật Lao động năm 2019 đã sửa đổi tiêu đề (bỏ cụm từ “đối với lao động nữ”) của các Điều từ 135 đến 137 so với Bộ Luật lao động năm 2012; bổ sung các chính sách đối với lao động nam để bảo đảm bình đẳng giới (nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; bảo đảm việc làm cũ sau thời gian nghỉ thai sản mà không bị cắt giảm tiền lương, quyền và lợi ích so với trước khi nghĩ; được hưởng trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thực hiện các biện pháp tránh thai, triệt sản; …). Như vậy, để bảo đảm bình đẳng giới thì chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong bảo vệ thai sản, bảo đảm việc làm… không chỉ đối với lao động nữ mà bao gồm đối với lao động nam.

Cùng với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, Bộ Luật lao động năm 2019 thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và nữ giới từ 5 năm xuống 2 năm (Điều 169), cụ thể: kể từ năm 2021 khi Bộ Luật có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ để đến năm 2028 tuổi nghỉ hưu của lao động nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đạt 60 tuổi.

Một điểm đáng lưu ý nữa của Bộ luật Lao động năm 2019 là bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ thay vì quy định hạn chế như trong Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, Luật trao quyền cho lao động nữ quyết định làm hoặc không làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ (danh mục nghề, công việc đã được Bộ Lao động ban hành tại Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020) trên cơ sở được cung cấp đầy đủ thông tin và bảo đảm một số điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; trao quyền cho lao động nữ quyết định có làm việc ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa khi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (tại Điểm b Khoản 1 Điều 137); Lao động nữ khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 2 Điều 137). Đồng thời, Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng bổ sung quy định: Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

Cũng với mục đích tạo quyền lợi tốt hơn cho lao động nữ, Khoản 4 Điều 137 quy định: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Để làm rõ hơn về quyền lợi này, Khoản 4 Điều 80 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động nêu rõ: “Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ”. Bên cạnh đó, tại Điều 27 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng đã quy định các mức xử phạt (thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất lên đến 20 triệu đồng), biện pháp khắc phục hậu quả khi người sử dụng lao động có các hành vi vi phạm quy định về lao động nữ nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này, cụ thể:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ; không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.

- Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng khi có một trong các hành vi: sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 (hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa (trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thoả thuận bằng văn bản về việc đi công tác xa); không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật lao động; không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày; …

Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (khoản 3, Điều 137); quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai (Điều 138); …

Có thể khẳng định, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có nhiều điểm mới, có lợi hơn cho lao động nữ nhằm đảm bảo tốt hơn cơ hội việc làm, bảo vệ thai sản của lao động nữ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bổ sung các quy định về quyền và trách nhiệm cho lao động nam vừa để đảm bảo quyền lợi của lao động nam, vừa thúc đẩy việc chia sẻ công việc gia đình giữa nam và nữ, góp phần thay đổi nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của nam và nữ. Đặc biệt là bảo đảm điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và phát triển trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội./.

PHÒNG BVCSTE&BĐG

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập