MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI PHẢI THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN ĐẾN
Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023, tổ chức vào ngày 05 tháng 8 năm 2023 vừa qua (Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 07/8/2023). Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến như sau:
- Nghiên cứu trình Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội đối với người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, bảo đảm tương quan chính sách với các đối tượng khác.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo chi trả qua tài khoản cho 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money,...) từ ngân sách nhà nước, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, kịp thời; hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.
- Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch việc làm; chủ trì nhóm tư vấn chính sách xã hội, tổng kết Luật Việc làm; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Phiên họp Chính phụ thường kỳ tháng 7 năm 2023
Ngoài ra, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện giải ngân các Chương trình mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công văn số 555/TTg-QHĐP ngày 16 tháng 6 năm 2023 và số 666/TTg-QHĐP ngày 18 tháng 7 năm 2023; trong đó, đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cần tập trung thực hiện dứt điểm, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tiếp tục hoặc không tiếp tục trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung 700 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp năm 2023 để thực hiện nhiệm vụ “Cải thiện dinh dưỡng” và “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng chưa được thu hưởng nguồn vốn nêu trên theo các phương án có bổ sung hoặc dừng bổ sung kinh phí trong năm 2023; đồng thời đề xuất cân đối bố trí vốn ngân sách trung ương trong các năm 2024, 2025 bảo đảm bố trí đủ vốn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 02 nhiệm vụ nêu trên theo quy định và phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan liên quan có giải pháp ưu tiên xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo có người cao tuổi trong các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và xem xét hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Phòng Kế hoạch – Tài chính