image banner
Công tác triển khai và kết quả đạt được trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt 9 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 803

 

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là xu hướng ứng dụng trong chuyển đổi số, đồng thời, từng bước cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân trong tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Với chủ trương của Đảng, Nhà nước là “đem lại lợi ích tối đa cho người dân", các trường hợp người hưởng chính sách an sinh xã hội khi đăng ký mở tài khoản để nhận các khoản trợ cấp, ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng sẽ được miễn, giảm các chi phí liên quan đến mở thẻ, duy trì thẻ và phí rút tiền tại các điểm rút tiền của ngân hàng trong quá trình sử dụng.

Tại Bình Thuận, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, ngày 24/10/2023 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4102/KH-UBND về Triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã chủ động tổ chức triển khai quyết liệt các nội dung, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao để thúc đẩy, vận động, khuyến khích người nhận chế độ an sinh xã hội phối hợp mở tài khoản ATM và nhận các khoản trợ cấp, ưu đãi qua tài khoản ngân hàng, đảm bảo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

          Năm 2024, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh[1], ngày 19/3/2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-SLĐTBXH về Triển khai thực hiện công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt năm 2024, theo đó đã giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố phấn đấu thực hiện đến hết năm 2024.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội và những lợi ích của việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong việc chuyển đổi hình thức chi trả an sinh xã hội từ hình thức chi trả bằng tiền mặt sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, trong đối tượng, gia đình đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn và trong cộng đồng dân cư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Thuận, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh (Agribank, Nam Á, Liên Việt) và cơ quan Bưu điện tỉnh tổ chức 12 buổi tuyên truyền trực tiếp tại 06 huyện, thành phố: Phan Thiết, Tuy Phong, Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh. Đồng thời, tổ chức cuộc họp với Phòng Lao động – TB&XH các huyện, thị xã, thành phố để trao đổi, thống nhất việc chọn và chi trả phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại các địa phương; ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương trong việc thực hiện công tác rà soát, làm sạch dữ liệu đối tượng hưởng ASXH trên địa bàn và thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt[2]

Tính đến kỳ chi trả trợ cấp tháng 9/2024, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 16.395 đối tượng thụ hưởng đạt tỷ lệ 30% trên tổng đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh (trong đó: đối tượng người có công cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng là 3.728/9.137 người, đạt tỷ lệ 40,8%; đối tượng bảo trợ xã hội, hộ gia đình, cá nhân chăm sóc nuôi dưỡng là 12.667/45.486 người, đạt tỷ lệ 27,8%) với tổng kinh phí đã chi trả qua tài khoản trong 9 tháng đầu năm là 106.076.394.000 đồng.

Chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện tích cho người thụ hưởng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế ghi nhận quá trình triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại các địa phương cũng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ do đối tượng quản lý và chi trả trợ cấp khá đặc biệt, cụ thể như:

Đối tượng là người có công với cách mạng qua nhiều thời kỳ kháng chiến, người cao tuổi thường khó thay đổi quan điểm khi nhận tiền trợ cấp. Hay các đối tượng nhận bảo trợ thường không có điều kiện mua điện thoại thông minh. Mặt khác, thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn, an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện. Việc chọn người ủy quyền để thanh toán qua tài khoản theo ý của đối tượng chính sách xã hội cũng có khó khăn nhất định do tâm lý e ngại người được ủy quyền nhận nhưng không trả lại đối tượng, hoặc người ủy quyền đã nhận tiền nhưng không báo lại đối tượng…

Các địa phương chưa quan tâm tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng, gia đình đối tượng và cộng đồng dân cư về chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội và những lợi ích của việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận (ngoài tài liệu tuyên truyền do Sở Lao động – TB&XH phát hành năm 2023, các buổi tuyên truyền trực tiếp do Sở Lao động – TB&XH tổ chức ở một số địa phương trong tháng 7 và 8/2024; các hoạt động tuyên truyền vận động đối tượng mở tài khoản của đại diện các ngân hàng thương mại Nam Á, Liên Việt), do vậy đa số các đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH trên địa bàn đều có mong muốn và đăng ký nhận trợ cấp bằng tiền mặt, đặc biệt là nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Kế hoạch số 4102/KH-UBND ngày 24/10/2023 của UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt từ tháng 11/2023, nhưng một số địa phương chậm triển khai thực hiện việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt đối với đối tượng BTXH so với chỉ đạo (Đức Linh: thực hiện từ tháng 4/2024, Hàm Thuận Nam: thực hiện từ tháng 6/2024, Tuy Phong: thực hiện từ tháng 9/2024); bên cạnh đó, một số địa phương tuy đã triển khai thực hiện từ giai đoạn thí điểm (theo Kế hoạch của sở Lao động – Thương binh và Xã hội) hoặc triển khai ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4102/KH-UBND nhưng đến nay kết quả đạt được rất thấp (Đức Linh: 17,2%, Hàm Thuận Bắc: 17,7%, Phan Thiết: 19,5%, Tánh Linh: 23,2%).

Trong công tác rà soát, thu thập, cập nhật, xác thực thông tin của các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội: qua rà soát hiện nay vẫn còn 307 đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội hoặc cá nhân/hộ gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại 09 huyện, thành phố chưa được cấp CCCD/MĐDCN hoặc chưa cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chủ yếu tập trung ở nhóm đối tượng người cao tuổi bệnh nằm tại nhà, người khuyết tật thần kinh, tâm thần đặc biệt nặng không thể trực tiếp đến trụ sở công an xã/phường/thị trấn để làm CCCD.

Nguồn nhân sự làm công tác Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương, nhất là cấp xã gặp nhiều khó khăn, mỗi xã chỉ có 01 công chức văn hoá xã hội vừa phụ trách lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội vừa lĩnh vực văn hoá, khối lượng công việc quá nhiều nên chưa kịp thời triển khai.

Để công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm 2024, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: tiếp tục theo dõi, đôn đốc và kịp thời hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt tại các địa phương hoặc kiến nghị cấp trên xem xét giải quyết theo quy định; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các chủ trương và những lợi ích của việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt đến các đối tượng thụ hưởng chính sách nhằm nâng cao kết quả, tỷ lệ chi trả trợ cấp qua tài khoản.

 - Đề nghị Công an tỉnh:

+ Tăng cường vai trò nòng cốt của cán bộ cơ sở, lực lượng công an cấp xã trong việc hồ trợ, phối hợp với ngành LĐTBXH thực hiện tuyên truyền, vận động các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tự nguyện mở tài khoản ngân hàng phục vụ công tác nhận trợ cấp an sinh xã hội.

+ Quan tâm chỉ đạo công an cấp huyện, xã và các phòng nghiệp vụ có liên quan phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ cho các đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội hoặc cá nhân/hộ gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại 09 huyện, thành phố được cấp CCCD/MĐDCN hoặc cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời phối hợp hướng dẫn việc bổ sung đầy đủ các thông tin cá nhân để cấp CCCD/MĐDCN cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các Cơ sở Bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng đảm bảo theo quy định, nhất là cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế để thực hiện việc khám, điều trị bệnh tại các Bệnh viện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 708/UBND-NCKSTTHC ngày 04/3/2024.

- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh tỉnh Bình Thuận: tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện các chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận các khoản hỗ trợ, trợ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời nghiên cứu tăng cường thêm hệ thống các trụ ATM để tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu rút tiền mặt của các đối tượng thụ hưởng.

- Đề nghị các Sở, ngành có liên quan (sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh, Báo Bình Thuận) phối hợp đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đối tượng, gia đình đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn và trong cộng đồng dân cư về chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố: tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp an sinh xã hội đăng ký mở tài khoản và thực hiện chủ trương chi trả không dùng tiền mặt đảm bảo theo đúng quy định. Lập danh sách các đối tượng hưởng chính sách đã có tài khoản đăng ký thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi trực tiếp vào tài khoản của đối tượng. Tiếp tục quan tâm mở tài khoản cho nhóm đối tượng chưa có tài khoản nhưng có nhu cầu mở tài khoản. Đối với các trường hợp già yếu, không có khả năng tiếp cận dịch vụ chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt, muốn ủy quyền cho người thân đại diện hợp pháp, đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn trình tự, thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và các đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH hiểu và đồng thuận với chủ trương chuyển đổi hình thức chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với công an địa phương hoàn thành việc rà soát, làm sạch 100% dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng người có công với cách mạng để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nguồn phục vụ công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Việc “thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý” là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi, thụ hưởng và nhận định đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số; góp phần vào công tác phòng chống tiêu cực, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ASXH, đảm bảo chi trả đúng chính sách, đúng đối tượng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, trục lợi; hỗ trợ kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất trong xã hội và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhóm đối tượng “yếu thế”.

Thanh toán không dùng tiền mặt hay còn gọi là thanh toán điện tử để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0. Chúng ta cần đi đầu trong việc tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội góp phần phát triển đất nước, chung tay xây dựng xã hội có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại./.



[1] Công văn số 359/UBND-NCKSTTHC ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh về việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt và Công văn số 355/UBND-KGVXNV ngày 30/01/2024 về việc triển khai thực hiện Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 14/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 12/01/2024 của bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

[2] Công văn số 1262/SLĐTBXH-BTTN ngày 21/5/2024 về việc khắc phục một số vấn đề liên quan đến công tác chi trả ASXH không dùng tiền mặt; Công văn số 1391/SLĐTBXH-BTTN ngày 04/6/2024 về việc khẩn trương rà soát, làm sạch dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội trên phần mềm cơ sở dữ liệu và cung cấp danh sách đối tượng BTXH chưa có CCCD; Công văn số 1915/SLĐTBXH-BTTN ngày 22/7/2024 về việc phối hợp chỉ đạo cấp thẻ Căn cước công dân/mã Định danh cá nhân đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại các huyện, thành phố và tại các Cơ sở Bảo trợ xã hội; Công văn số 1945/SLĐTBXH-BTTN ngày 25/7/2024 về việc thực hiện việc chọn và ký hợp đồng với các ngân hàng để chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; Công văn số 2131/SLĐTBXH-BTTN ngày 14/8/2024 về việc khẩn trương triển khai thực hiện việc chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt và rà soát, cập nhật dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội.

PHÒNG BTXH&PCTNXH

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập