NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THANH TRA NĂM 2022
Lượt xem: 956

Ngày 14/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023 (Kể từ ngày Luật số 11/2022/QH15 có hiệu lực thi hành, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 hết hiệu lực).

Theo đó, Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 quy định một số điểm mới đáng chú ý so với Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, cụ thể như sau:

1. Tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra năm 2010, cụ thể: Luật Thanh tra 2022 có tất cả 8 Chương và 118 Điều; đối với Luật Thanh tra năm 2010 gồm 07 Chương và 78 Điều.

2. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, cụ thể: Theo Điều 18 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

3. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra Sở, cụ thể: Theo khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Sở được thành lập trong các trường hợp như: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao (So với Luật Thanh tra năm 2010 thì Thanh tra Sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật).

4. Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra tại Luật Thanh tra năm 2022, cụ thể: Theo khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra năm 2022, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

5. Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra, cụ thể: Đối với Luật Thanh tra năm 2022, tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39) và các ngạch còn lại (thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp) sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn riêng (Điều 40 và Điều 41). Luật Thanh tra năm 2022 cũng bỏ quy định cộng tác viên thanh tra (Nội dung về cộng tác viên thanh tra được định tại Điều 35 Luật Thanh tra năm 2010).

6. Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên (Theo khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra năm 2022).

7. Bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước: Thêm nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra (Theo Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022); đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin (Theo Điều 113 Luật Thanh tra năm 2022).

8. Phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (theo Chương VI Luật Thanh tra năm 2022).

9. Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (Theo Điều 98 Luật Thanh tra năm 2022). 

10. Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra, cụ thể: Tại Luật Thanh tra năm 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều có liên quan. Theo đó, thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban thanh tra nhân dân; Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Nhưng đến Luật Thanh tra năm 2022, các quy định của thanh tra nhân dân không có trong luật./.

THANH TRA Sở

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang